Bên lề một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua (24.6), đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra thông tin: kết quả khảo sát của Tổ chức y tế thế giới (WHO) với 7 nhóm tân dược thông dụng tại Việt Nam cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp 5 - 40 lần so với bình diện chung của thế giới. Thực hư vấn đề này như thế nào?
Trước thông tin trên, chiều tối nay 25.6, trao đổi với PV Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện của WHO đã cho biết rõ thông tin trên và đã gửi báo cáo giải thích đến cục Quản lý dược (bộ Y tế). Theo đó, từ 2004-2005, một cuộc khảo sát đã được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Y tế công cộng và dược cộng đồng (Đại học New South Wales, Úc); khoa Dược kinh tế và quản lý dược của Đại học Dược Hà Nội và tổ chức Hành động y tế quốc tế Hà Lan.
Các thông tin do báo chí đăng tải được trích dẫn từ một bài báo nghiên cứu do tác giả Nguyễn Tuấn Anh và cộng sự (đều tham gia cuộc khảo sát nói trên) thực hiện theo phương pháp nghiên cứu của WHO/HAI (Tổ chức hành động sức khỏe thế giới - Health Action International) với các dữ liệu nghiên cứu, khảo sát trong giai đoạn 2004 - 2005 và WHO không triển khai thực hiện nghiên cứu này. Nghiên cứu được công bố trong cuốn South Med Review tập 2, số 2, 2009. Báo cáo này đã được chia sẻ trong suốt cuộc họp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về vai trò của bảo hiểm y tế trong việc tiếp cận thuốc thiết yếu. Mục tiêu của cuộc khảo sát để đánh giá được giá thuốc, sự sẵn có và khả năng chi trả của một tập hợp mẫu các loại thuốc tại Việt Nam.
Theo phương pháp nghiên cứu của WHO/HAI, việc so sánh về giá thuốc sử dụng một chỉ số so sánh được gọi là chỉ số giá tham khảo quốc tế (IRP). Ý nghĩa của chỉ số này như sau: chỉ số IRP không phải là mặt bằng giá bán thuốc của thế giới, mà chỉ là một chỉ số mặc định dùng làm mốc so sánh để đánh giá. Việc so sánh giá giữa các nước/khu vực sử dụng tỉ lệ giữa số liệu khảo sát giá tại từng nước/khu vực chia cho chỉ số mặc định dùng để so sánh IRP nói trên (gọi là tỉ lệ giá trung bình - MRP). Ví dụ, theo các khảo sát đã thực hiện của WHO tại một số nước: chỉ số này đối với mặt hàng Ciprobay (Ciprofloxacin) của Thái Lan là 72,64; Indonesia là 90,08; Malaysia là 111,63… không có nghĩa giá thuốc tại các nước trên cao hơn “giá mặt bằng trên thế giới” từ 72 tới 111 lần.
Dữ liệu về giá và sự sẵn có của 42 loại thuốc đã được thu thập tại năm khu vực ở Việt Nam. Trong số 42 loại thuốc được nghiên cứu, 15 loại đã được chọn để so sánh với giá tham khảo quốc tế. Cần lưu ý rằng giá tham khảo không phải là giá bán lẻ trung bình của thuốc ở hiệu thuốc hoặc các cửa hàng bán lẻ.
Kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy, tại các cơ sở y tế công lập ở Việt Nam, 33,6% thuốc sử dụng là thuốc gốc. Giá thuốc ở nhà thuốc bệnh viện cũng cao hơn tư nhân.
Theo các số liệu khảo sát của chính nghiên cứu mà các báo đã trích dẫn, tỉ lệ giá trung bình MRP của Việt Nam so với các nước tại khu vực Tây Thái Bình Dương như sau: đối với các thuốc tại nhà thuốc tư nhân, tỉ lệ giá trung bình MRP của Việt Nam là 6,09, còn của các nước tại khu vực Tây Thái Bình Dương là 11,25. Như vậy, giá thuốc tại nhà thuốc tư nhân của khu vực Tây Thái Bình Dương cao hơn Việt Nam 185%. Đối với các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, tỉ lệ giá trung bình MRP của Việt Nam là 7,53, còn của các nước tại khu vực Tây Thái Bình Dương (WPR) là 11,95. Như vậy, giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện của khu vực Tây Thái Bình Dương cao hơn Việt Nam khoảng 160%.
Tối 25.6, tiến sĩ Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục quản lý dược (bộ Y tế) cho biết: Cục quản lý dược đã có thông báo gửi các phương tiện thông tin đại chúng nói rõ về thông tin trên. Theo cục này thì đại diện của WHO tại Việt Nam đã giải thích và làm rõ về các thông tin như trên gửi về cục. Như vậy, theo Cục quản lý dược, việc thông tin giá thuốc tại Việt Nam cao hơn mặt bằng thế giới từ 5 - 40 lần như một số báo đã đưa là không chính xác.
Cục Dược khẳng định giá thuốc VN không cao hơn thế giới
"Không có chuyện giá thuốc Việt Nam cao gấp 5 đến 40 lần so với bình diện chung của thế giới, mà ngược lại thấp hơn so với nhiều nước", Cục trưởng Cục quản lý dược Trương Quốc Cường vừa cho biết.
Bên lề hội nghị về bảo hiểm y tế tổ chức ngày 24/6 tại Hà Nội, một chuyên gia cho biết khảo sát mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với 7 nhóm thuốc thông dụng thì giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 đến 40 lần so với bình diện chung của thế giới.
Tuy nhiên, Cục Dược cho rằng thông tin này là không chính xác. Con số trên được trích dẫn từ một bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tuấn Anh trong năm 2004 - 2005 theo phương pháp nghiên cứu của WHO/HAI (Tổ chức hành động sức khỏe thế giới - Health Action International), chứ không phải nghiên cứu do WHO thực hiện.
Theo phương pháp đó, giá thuốc được so sánh với chỉ số giá tham khảo quốc tế (IRP), chứ không phải so với mặt bằng chung giá thuốc của thế giới.
Cụ thể, để so sánh giá thuốc giữa các nước hay các khu vực với nhau, các nước lấy giá thuốc khảo sát chia cho chỉ số giá tham khảo IRP, cho ra tỷ lệ giá trung bình MRP.
Chẳng hạn, tỷ lệ giá MRP tại các bệnh viện ở Việt Nam là 7,53 trong khi của các nước khu vực Tây Thái Bình dương là 11,95. Điều này có nghĩa, giá thuốc tại Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước khác trong khu vực.